LIỆU BẠN ĐÃ HIỂU HẾT VỀ NGÀNH MARKETING?

LIỆU BẠN ĐÃ HIỂU HẾT VỀ NGÀNH MARKETING?

Đối với nhiều doanh nghiệp, nếu mục tiêu quan trọng nhất của họ là tăng trưởng doanh thu và xây dựng mối quan hệ với khách hàng, thì Marketing chính là công cụ hữu ích nhất để giúp doanh nghiệp đó đạt được các mục tiêu nêu trên. Càng ngày càng có nhiều doanh nghiệp nhận thức được về tầm quan trọng và vai trò của Marketing, dẫn đến sự bùng nổ trong nhu cầu tuyển dụng và nguyện vọng theo học ngành Marketing. Trên các trang thông tin tuyển dụng trực tuyến, không khó để bắt gặp các thông báo tuyển dụng cho nhiều vị trí marketing, tuy nhiên, chính sự gia tăng về nhu cầu tìm kiếm nhân lực marketing đã khiến ngành marketing phân nhánh phức tạp và không phải ai, ngay cả những bạn trẻ đang theo học ngành marketing, cũng chưa có một cái nhìn tổng quan và chính xác về ngành này. Vậy nên, trong bài viết này, Spiderum sẽ giúp bạn đọc tìm hiểu về ngành Marketing thông qua việc trả lời các câu hỏi dưới đây:

1. Marketing là gì và ngành Marketing là ngành gì?

1.1 Marketing là gì?

Một trong những định nghĩa đơn giản nhất, Marketing là: “Đáp ứng nhu cầu, mang lại lợi nhuận”.

Marketing giúp doanh nghiệp đạt mức lợi nhuận mong muốn, thông qua 2 việc: Xây dựng thương hiệu và Chiếm lĩnh thị phần. Đi kèm với Lợi nhuận hiển nhiên, là việc đem lại hiệu quả Doanh thu và cắt giảm Chi phí bán hàng, Marketing.

1.2 Ngành marketing là gì?

Ngành kinh tế bao gồm ba nhóm ngành chính: 

(i) nhóm ngành Kinh tế (Economics)

(ii) nhóm ngành Quản trị (Business) 

(iii) nhóm ngành Công cụ hỗ trợ. 

Ngành marketing thuộc (ii) Nhóm ngành quản trị, tức là các khía cạnh quản trị cho hoạt động của một tổ chức, nhằm đảm bảo việc sử dụng nguồn lực hạn hẹp có hiệu quả, tạo ra giá trị gia tăng lớn, với lợi nhuận lớn, đồng thời giúp tốc độ tăng trưởng và sự phát triển bền vững đi theo hoạch định chiến lược của tổ chức. 

Theo học ngành marketing tại các trường đại học, sinh viên sẽ được trang bị kiến thức bài bản về nghiên cứu, phân tích thị trường; lên kế hoạch cho chiến dịch quảng bá sản phẩm; xây dựng mối quan hệ với đối tác và khách hàng; xây dựng thương hiệu hay định giá sản phẩm;... Trong quá trình theo học ngành này, các sinh viên sẽ được rèn luyện các kỹ năng như giải quyết vấn đề, kỹ năng sử dụng các công cụ đo lường để đánh giá thị trường và đối thủ cạnh tranh, kỹ năng lập kế hoạch dài hạn hay thậm chí là năng lực sáng tạo không ngừng nghỉ. 

2. Học Marketing là học gì?

Tại các trường đại học trong nước, ngành Marketing có thể được phân nhánh thành nhiều chuyên ngành như sau:

  • Ngành Marketing thương mại (Trade Marketing): Marketing thương mại có vai trò là ‘cánh tay đắc lực’ hỗ trợ cho hoạt động bán hàng, thúc đẩy tỷ lệ tiêu thụ sản phẩm, thỏa mãn nhu cầu của nhà sản xuất, nhà thương mại và khách hàng. Theo học chuyên ngành Marketing thương mại, sinh viên sẽ được học về chiến lược phân phối sản phẩm tới các đại lý bán buôn hay các tiểu thương bán lẻ, hành vi người tiêu dùng, marketing và xây dựng quan hệ khách hàng trên thị trường B2B, và rất nhiều kiến thức chuyên sâu khác. 
    Kỹ năng được đào tạo: Khi theo học và làm việc theo chuyên ngành Marketing thương mại, các bạn sẽ được rèn luyện một số kỹ năng như lập kế hoạch dài hạn, nhạy bén với thị trường vào biết cách giao tiếp hiệu quả. 

  • Ngành Quản trị Marketing (Marketing Management): Quản trị marketing là việc hoạch định chiến lược marketing, sau đó đánh giá các phương án marketing để doanh nghiệp có thể đạt được mục tiêu marketing đã đề ra một cách dễ dàng hơn. Nội dung đào tạo của chuyên ngành này tại các trường đại học trong nước tập trung vào các kiến thức, kỹ năng phổ biến như phân tích thị trường, xác định thị trường mục tiêu, hoạch định và đánh giá các chiến dịch marketing thông qua các môn học như: Quản trị sản phẩm, quản trị kênh phân phối, digital marketing,...
    Kỹ năng được đào tạo: quản trị, lập kế hoạch, phân tích thị trường, và dự đoán thị trường.

  • Truyền thông Marketing (Marketing Communication): Có thể hiểu truyền thông marketing là việc sử dụng các phương tiện truyền thông để truyền tải thông điệp của doanh nghiệp tới tệp khách hàng mục tiêu. Bên cạnh việc được học về truyền thông marketing tích hợp (Intergrated Marketing Communications), quảng cáo, hay thiết kế thì sinh viên theo học ngành này sẽ được trang bị thêm kiến thức về kinh tế, xã hội, xây dựng thương hiệu,...
    Kỹ năng được đào tạo: lập kế hoạch, giao tiếp, làm việc nhóm, tư duy và kỹ năng thiết kế

  • Quảng cáo (Advertising): Quảng cáo là một hình thức quảng bá, tuyên truyền, giới thiệu về thương hiệu, thông điệp và dịch vụ của một doanh nghiệp tới khách hàng. Ngành quảng cáo sẽ trang bị cho các sinh viên kiến thức về quản trị quảng cáo, quản trị marketing, xây dựng thương hiệu hay quan hệ công chúng.
    Kỹ năng được đào tạo: quản trị, sáng tạo, giao tiếp,...

  • Quản trị thương hiệu (Brand Management): Quản trị thương hiệu là hoạt động xây dựng hình ảnh của thương hiệu trong nhận thức, thậm chí là tiềm thức của khách hàng.  Sinh viên theo học ngành này sẽ được làm quen với các khái niệm như bộ nhận diện thương hiệu, định vị thương hiệu, hay quan hệ công chúng.
    Kỹ năng được đào tạo: quản trị, giao tiếp, tổ chức sự kiện, thiết kế,...

3. Môi trường làm việc trong ngành Marketing là môi trường như thế nào?

Nói tới môi trường làm việc trong lĩnh vực Marketing, hầu hết các bạn trẻ sẽ hình dung tới 2 khái niệm Client và Agency. Trước hết, chúng ta cần phân biệt 2 “thế giới” này với nhau:

Client side - Khách hàng: Là những công ty sở hữu thương hiệu, nhà máy, sản phẩm,… Họ là Client - Khách hàng, thuê Agency - Công ty dịch vụ Marketing, thực hiện các chương trình Marketing. Các chương trình Marketing này rất đa dạng, có thể là Nghiên cứu thị trường trước khi tung sản phẩm mới, hoặc Xây dựng thương hiệu hay Truyền thông cho chương trình khuyến mại cuối năm.

Agency side - Công ty dịch vụ Marketing: Là các công ty thực hiện dịch vụ Marketing cho công ty khách hàng. Họ thường làm việc trực tiếp với phòng Marketing in-house của khách hàng, nhận đề bài (Brief), lên ý tưởng (Brainstorming) và đưa ra các cách tiếp cận, hướng giải quyết sáng tạo (Creative Idea) nhằm đáp ứng yêu cầu của khách. 

Một số loại hình Agency cơ bản bạn cần biết:

  • Research Agency - Nghiên cứu thị trường

  • Creative Agency - Quảng cáo sáng tạo

  • Digital Agency - Công ty triển khai Digital Marketing

  • Event/BTL Agency - Công ty tổ chức sự kiện/chương trình Marketing tại thực địa

  • Media booking Agency - Thiết lập và triển khai quảng cáo

Agency side - Công ty dịch vụ Marketing: Là các công ty thực hiện dịch vụ Marketing cho công ty khách hàng. Họ thường làm việc trực tiếp với phòng Marketing in-house của khách hàng, nhận đề bài (Brief), lên ý tưởng (Brainstorming) và đưa ra các cách tiếp cận, hướng giải quyết sáng tạo (Creative Idea) nhằm đáp ứng yêu cầu của khách.

 

Bên cạnh nhóm Agency, chúng ta cần có đội ngũ Production House - Sản xuất nội dung, các Production House sẽ giúp hiện thực hóa ý tưởng của agency trên các định dạng: 

  • Video

  • Ảnh, Mẫu thiết kế (Graphic) 

  • Nội dung đa nền tảng (Web, Blog, Social media,...) 

Môi trường làm việc tại Client và Agency đều có đặc thù khác nhau và và chịu những áp lực khác nhau. Trong khi brand team phía Client phải chịu áp lực về hiệu quả của các hoạt động Marketing trước sếp và rất nhiều các phòng ban liên quan, thì phía Agency sẽ chịu áp lực từ chính những đòi hỏi của các “thượng đế" Client. Nhưng tôi nghĩ một khi đã dấn thân vào lĩnh vực này, các bạn sinh viên cần hiểu một điều quan trọng: Thành công của chiến dịch, của sản phẩm là ưu tiên hàng đầu của cả hai phía.

Trích bài viết “Muôn màu thế giới Marketing” của tác giả Đỗ Xuân Khoa (Quách Tĩnh)- Founder/CEO tại Markus Marketing School & Markus Agency trong sách “Người Trong Muôn Nghề: Ngành Kinh Tế có gì?”.

Để đọc bài viết đầy đủ về ngành Marketing, hãy tìm đọc cuốn “Người Trong Muôn Nghề: Ngành Kinh Tế có gì?” được biên tập bởi đội ngũ Spiderum bạn nhé!

 

Agency side - Công ty dịch vụ Marketing: Là các công ty thực hiện dịch vụ Marketing cho công ty khách hàng. Họ thường làm việc trực tiếp với phòng Marketing in-house của khách hàng, nhận đề bài (Brief), lên ý tưởng (Brainstorming) và đưa ra các cách tiếp cận, hướng giải quyết sáng tạo (Creative Idea) nhằm đáp ứng yêu cầu của khách.

4. Mức lương ngành Marketing

Mức lương của nhân viên marketing được quyết định phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố, trong số đó là bằng cấp, kinh nghiệm làm nghề và chức vụ trong doanh nghiệp. 

Xét về bằng cấp, trong ngành Marketing, bằng cấp càng cao, lương khởi điểm mà các nhà tuyển dụng đàm phán với ứng viên sẽ càng hấp dẫn. Cụ thể, sinh viên bậc đại học sẽ nhận được mức lương trung bình cao hơn 45% so với các ứng viên chỉ học hết cấp 3, và cao hơn 24% so với các ứng viên chỉ có chứng chỉ từ các trung tâm đào tạo không chính quy. Mức lương của nhân viên Marketing cũng sẽ tăng thêm 20-30% nếu họ có bằng Thạc sĩ hoặc Tiến sĩ. 

Liên quan đến số năm trong nghề, mức lương cho một nhân viên full-time dưới 5 năm kinh nghiệm ở vị trí Marketing sẽ có mức trung bình thấp là 7.19 triệu VNĐ/ tháng, trong khi mức trung bình cao là 9.69 triệu VNĐ/ tháng. Tỷ lệ phần trăm tăng lương trung bình cho các vị trí ngành Marketing ở Việt Nam có xu hướng tăng 11% cứ sau 15 tháng.

Xét về chức vụ trong doanh nghiệp, chuyên viên marketing sẽ nhận được mức lương trong khoảng 7-10 triệu/tháng. So với vị trí trưởng phòng marketing thì mức lương của chuyên viên marketing là không đáng kể bởi mức lương trung bình của trưởng phòng Marketing sẽ rơi vào khoảng 12-20 triệu/tháng. Sở dĩ có sự dao động mạnh về mức lương chặn đầu và chặn cuối của vị trí trưởng phòng Marketing là vì nhiệm vụ của trưởng phòng Marketing ở các công ty khác nhau sẽ có sự khác nhau. Tiếp đó, một trong những nấc thang cao nhất trong sự nghiệp của một nhân viên Marketing chính là vị trí Giám đốc Marketing với mức lương có thể lên tới 30 triệu/tháng, mức lương này cũng có thể cao hơn tùy theo hiệu suất làm việc và đạt KPI của nhân viên ở vị trí này. 

5. Ngành Marketing học trường nào?

5.1 Khu vực miền Bắc:

  • Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông

  • Đại học Công nghiệp Hà Nội

  • Đại học Kinh tế Quốc dân

  • Đại học Thương mại

  • Đại học RMIT

  • Đại học Kinh tế và Quản trị kinh doanh - ĐH Thái Nguyên

5.2 Khu vực miền Trung:

  • Đại học Kinh tế - Đại học Đà Nẵng

  • Đại học Kinh tế - Đại học Huế

  • Đại học Nha Trang

5.3 Khu vực miền Nam:

  • Đại học Kinh tế - Luật (ĐH Quốc gia TP.HCM)

  • Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông (Cơ sở phía nam)

  • Đại học Công nghiệp TP.HCM

  • Đại học Kinh tế TP.HCM

  • Đại học Tài chính - Marketing

  • Đại học Công nghệ TP.HCM

  • Đại học Hoa Sen

  • Đại học Hùng Vương

  • Đại học Kinh tế - Tài chính TP.HCM

  • Đại Học An Giang

  • Đại học Cần Thơ

  • Đại học Quốc tế Hồng Bàng

Hy vọng rằng những thông tin xoay quanh chủ đề Ngành Marketing được đề cập trong bài viết này đã giúp bạn có một cái nhìn tổng quan về định nghĩa, chuyên ngành, mức lương, vị trí việc làm và các trường đào tạo ngành marketing. Trong các bài viết tiếp theo, Spiderum sẽ cung cấp thêm thông tin hữu ích về các ngành khác, vậy nên các bạn hãy tiếp tục theo dõi và đừng bỏ lỡ những bài viết sắp tới của chúng mình nhé. Nếu bạn có bất kỳ câu hỏi hay thông tin nào liên quan đến ngành Marketing thì hãy chia sẻ với cộng đồng bạn đọc bằng cách comment và share bài viết này. 

Thân ái.

Xuân Quỳnh

 
← Bài trước Bài sau →

Bình luận