Cùng với sự phát triển của thế giới và xu thế hội nhập quốc tế, rất nhiều bạn học sinh, sinh viên đã lựa chọn hình thức đi du học. Nếu ngày xưa, việc du học đến một đất nước mới lạ là điều gì đó xa vời và ngoài sức tưởng tượng thì nay, du học sẽ nhanh chóng được hiện thực hoá nếu bạn biết lên kế hoạch và đảm bảo sắp xếp đầy đủ mọi điều kiện cần thiết.
Vậy, du học thực chất là gì? Lợi ích của việc học ở một đất nước xa xôi sẽ đem lại là gì và bạn cần chú ý những gì khi xác định ddi du học? Chúng mình hãy cùng thử tìm hiểu qua bài viết này nhé!
Du học là gì?
Theo Bách khoa toàn thư mở WikiPedia định nghĩa, du học là việc đi học ở một quốc gia khác quốc gia hiện tại của người học đang sinh sống nhằm bổ sung thêm kiến thức, ngành nghề nhằm thỏa mãn nhu cầu học tập của bản thân hoặc theo yêu cầu của cơ quan, tổ chức tài trợ.
Theo đó, có thể thấy, du học không phải là cụm từ quá khó để định nghĩa. Hiểu một cách đơn giản, du học chính là việc các bạn học sinh, sinh viên đi ra nước ngoài hoặc chọn một trong những quốc gia mình yêu thích để học tập và trau dồi kiến thức,
Nói cách khác, du học chính là việc mà các học sinh, sinh viên tìm một nơi uy tín để bổ sung, củng cố, nâng cao và tiếp thu các kiến thức văn hóa hiện đại, các ngành nghề, lĩnh vực mà tại nước nhà vẫn chưa phát triển và việc đào tạo còn yếu kém.
Các hình thức du học
Nhiều bạn khi tìm hiểu về du học đều rất quan tâm đến các hình thức du học. Hiện nay, có nhiều hình thức du học khác nhau nhưng tiêu biểu có thể chia thành 2 hình thức du học chính bao gồm: du học tự túc và du học học bổng. Theo đó:
Du học học bổng là hình thức du học được cá nhân hoặc tổ chức nào đó hỗ trợ một phần hoặc toàn phần tài chính cho du học. Nó có thể là học bổng Chính phủ hoặc một tổ chức nào đó phía Việt Nam hoặc học bổng từ phía nước du học dành cho du học sinh. Hiện nay, ngày càng có nhiều các tổ chức cá nhân trong và ngoài nước tài trợ cho học sinh, sinh viên đi du học. Đây cũng là một trong số những lý do khiến cho số lượng du học sinh người Việt tăng đáng kể trong những năm gần đây.
Khác với du học theo diện học bổng, du học tự túc là hình thức du học mà học sinh, sinh viên tự chi trả các chi phí liên quan đến việc du học. Hình thức du học này chắc chắn sẽ tốn kém hơn hình thức du học học bổng bởi các bạn sẽ phải chi trả cả học phí học tập lẫn các chi phí sinh hoạt hằng ngày. Dù đắt đỏ là vậy, thế nhưng trong những năm gần đây hình thức du học này ngày càng phát triển. Theo thống kê, có đến gần 90% số du học sinh của Việt Nam đang du học theo hình thức này.
Bên cạnh du học học bổng và du học tự túc, còn có một số hình thức du học khác có thể kể đến như: du học nghề, du học chuyển tiếp, du học tại chỗ,...
Tại sao nên đi du học?
Nếu bạn còn đang phân vân về mục đích đi du học của bản thân, chưa chắc chắn với quyết định “bước chân” sang một đất nước mới thì bạn có thể tham khảo những lợi ích mà việc du học đem lại dưới đây để đưa ra quyết định thật đúng đắn cho mình nhé.
Du học đem đến cho bạn nhiều trải nghiệm mới và mở rộng tầm nhìn ra thế giới: Bước chân đến một đất nước mới, bạn sẽ có dịp giao lưu gặp gỡ với bạn bè năm châu bốn biển. Mỗi người bạn gặp sẽ cho bạn hiểu biết về các nền văn hóa khác nhau, mở rộng mối quan hệ và học cách làm việc trong các doanh nghiệp toàn cầu. Nhờ sự tiếp thu học hỏi, tiếp xúc với các nền văn hoá tiên tiến và trải nghiệm đó, các bạn du học sinh sẽ là những người mang những điều tốt đẹp về nước góp phần thay đổi và phát triển quê hương giàu đẹp.
Du học giúp bạn trau dồi khả năng ngôn ngữ: Cách tốt và hữu hiệu nhất để học một ngôn ngữ mới chính là đắm mình trong nguồn văn hóa sử dụng chính ngôn ngữ mà bạn đang học. Bạn được bao bọc bởi thứ ngôn ngữ đó trong đời sống hằng ngày, nhìn, nghe, nói và sử dụng. Việc di chuyển đến quốc gia sử dụng ngôn ngữ đó để học tập sẽ buộc bạn phải sử dụng ngôn ngữ đó thường xuyên để giao tiếp trong cuộc sống hằng ngày chứ không chỉ riêng trong học tập. Ban đầu, việc này sẽ có chút khó khăn, thế nhưng khi đã thành thạo và quen thuộc, bạn sẽ thấy đây là một trải nghiệm đúng đắn.
Du học giúp bạn tăng giá trị bằng cấp và mang đến nhiều cơ hội nghề nghiệp: Khi học tập tại nước ngoài, bạn có thể chọn các môn học bạn sẽ chẳng bao giờ có cơ hội học tại nước nhà.Việc chất lượng bằng cấp của các trường Đại học quốc tế được công nhận rộng rãi cũng giúp tấm bằng của bạn đáng giá hơn trong mắt nhà tuyển dụng. Đặc biệt Việt Nam đang trong thời kì mở cửa, thu hút nhiều nhà đầu tư nước ngoài, và có nhu cầu cao cho lực lượng lao động tiên tiến, được đào tạo bài bản, có khả năng quản lý và làm việc trong các dự án liên doanh, hợp tác với các quốc gia khác trên thị trường quốc tế. Thông qua sự nhìn nhận và đánh giá của các nhà tuyển dụng, du học sinh thường năng động, độc lập, sẵn sàng chấp nhận thử thách, và có khả năng đương đầu với nhiều vấn đề và tình huống khó khăn. Với kinh nghiệm học tập, làm việc và sinh sống tại nước ngoài của bạn, khả năng thương thuyết với đối tác đến từ nền văn hóa khác, sử dụng một ngôn ngữ khác, sẽ đặt bạn ở một vị trí cao hơn so với số đông các ứng viên khác cho công việc mơ ước của bạn.
Du học đem tới trải nghiệm du lịch giúp bạn năng động hơn: Mỗi quốc gia đều có rất nhiều danh lam thắng cảnh, có nhiều địa điểm nổi tiếng và độc đáo. Du học chính là cơ hội để khám phá thế giới với mức chi phí rẻ và hành trình thú vị. Khi đi du học, ngoài việc học ra, vào cuối tuần và các kỳ nghỉ các bạn du học sinh thường dành thời gian khám phá các thành phố lân cận hay các thành phố nổi tiếng tại quốc gia mà bạn theo học. Bạn sẽ được đến những nơi mới mẻ và trải nghiệm cảm giác thích thú khi chinh phục những trò chơi mạo hiểm, những môn thể thao mới lạ, khi đứng trước những kì quan vĩ đại của thế giới. Cùng với đó bạn sẽ có cơ hội tiếp xúc gần hơn với người dân sở tại để hiểu thêm về văn hóa của họ, được giao lưu và kết thêm nhiều bạn mới, được chia sẻ và giúp đỡ từ họ.
Cuối cùng, đi du học sẽ giúp bạn hoàn thiện bản thân, phát triển các kĩ năng và kinh nghiệm mới: Du học mang đến những kinh nghiệm mà trường lớp, sách vở không thể nào cung cấp cho bạn. Bị bao vây bởi một môi trường hoàn toàn xa lạ sẽ không tránh khỏi những sợ hãi lúc ban đầu, nhưng cũng không kém phần hồi hộp và phấn khởi. Đó chính là cơ hội để bạn khám phá khả năng và thế mạnh mới của bản thân, chinh phục thử thách mới, và đối đầu với nhiều vấn đề.
Bên cạnh những lợi ích trên, du học còn có rất nhiều những lợi ích khác có thể kể đến như giúp bạn tiếp xúc với nhiều nền văn hoá mới, mở rộng mối quan hệ với những người xung quanh hay chỉ đơn thuần là để bạn hiểu rõ hơn về bản thân mình. Tất cả những lí do này đều hoàn toàn xứng đáng để bạn sẵn sàng đánh đổi quyết định “bước chân" trải nghiệm học tập ở một quốc gia mới.
Những điều cần chú ý trước khi đi du học
Du học là một hành trình dài cần bạn phải chuẩn bị đầy đủ mọi điều kiện để có thể di chuyển đến một quốc gia học tập một cách tốt nhất. Dưới đây là một số lưu ý cho bạn trước khi bắt đầu hành trình của chính mình.
Trước tiên, bạn cần tìm hiểu và xác định kĩ về trường và ngành học bạn định theo học.
Tìm hiểu về trường mình dự định du học là một trong những việc quan trọng mà bạn cần làm. Trước khi đi du học bạn cần phải xác định xem mình sẽ chọn tham gia du học ở trường nào, học phí và chương trình học ở đó ra sao? Mục đích đi du học là gì? Việc này rất quan trọng bởi nếu bạn không chọn được ngôi trường phù hợp với mục đích du học của mình nó sẽ kéo theo nhiều những vấn đề liên quan khác mà bạn cần phải giải quyết.
Khi bạn đã lựa chọn được một quốc gia, một ngôi trường để đi du học thì bạn cần phải tìm hiểu thêm về một vấn đề cũng rất quan trọng chính là ngành học. Bởi ngành học nó quyết định đến tương lai, nghề nghiệp sau này của bạn. Bạn không thể chọn bừa một ngành học nào đó mà không có sự tìm hiểu được.
Nếu đang trong quá trình du học mà bạn cảm thấy mông lung về ngành học hoặc muốn thay đổi thì sẽ rất dở dang. Vì vậy hãy cân nhắc thật kỹ chuyên ngành bạn muốn theo đuổi trước khi đi du học để chặng đường du học suôn sẻ hơn nhé.
Tiếp theo, bạn cần tìm hiểu về quốc gia mà mình xác định theo học.
Để có thể sinh sống, học tập và làm việc tại bất kỳ quốc gia nào bạn cần phải có kiến thức cơ bản về quốc gia đó như: văn hóa, lễ nghi, phong tục, tập quán, các vấn đề về an sinh xã hội,… Tìm hiểu kỹ về văn hóa, phong tục, tập quán của nước bản địa khiến bạn bớt được phần nào cảm giác bỡ ngỡ và cũng tránh việc phạm phải những điều kiêng kị.
Không chỉ là văn hóa, ngôn ngữ mà các bạn cũng cần tìm hiểu về thời tiết của đất nước đó để trang bị trang phục cho phù hợp, đồng thời cân nhắc xem nó có phù hợp với tình trạng sức khỏe của bản thân hay không.
Cuối cùng, sau khi đã xác định được ngành học, trường học và quốc gia theo học, bạn cần chuẩn bị kĩ về mặt vật chất và tinh thần khi đi du học.
Về mặt vật chất, bạn cần chuẩn bị kĩ về bằng cấp, điểm số, giấy tờ liên quan đến học lực (nếu theo diện du học học bổng). Bên cạnh đó, bạn cũng cần rèn luyện và trau dồi khả năng ngôn ngữ để có thể giao tiếp và nhanh chóng hoà nhập với môi trường bạn học tập. Đây có thể được coi là hai yếu tố quan trọng nhất trong việc chuẩn bị cho du học vì mỗi năm học và mùa thi qua rồi, bạn không thể làm lại được nữa. Ngoài ra, bạn cũng cần xác định khả năng tài chính dành cho việc học, đặc biệt là các bạn du học theo diện tự túc. Theo đó, tùy quốc gia và tùy bậc học, thủ tục làm visa có thể yêu cầu gia đình du học sinh phải chứng minh khả năng chi trả tiền học và phí sinh hoạt bằng tài sản tích lũy và thu nhập hợp pháp hàng tháng. Do vậy, việc xác định khả năng tài chính cũng vô cùng quan trọng.
Về mặt tinh thần, bạn cần chuẩn bị kĩ những kiến thức văn hoá và nếp sống của quốc gia bạn theo học để tránh bị “sốc văn hoá” khi đặt chân đến đó. Ngoài ra, để bảo vệ bản thân, bạn nên học cách điều chỉnh thái độ, cư xử thật tốt, nhã nhặn và chịu khó kết giao với nhiều bạn bè. Hãy luôn tử tế và tôn trọng văn hóa của người bản xứ là “phao cứu sinh” cho bạn ở bất cứ đâu.
Một số khó khăn bạn có thể gặp phải khi đi du học
Bên cạnh sự chuẩn bị tươm tất và những lợi ích khi tham gia du học, các bạn học sinh, sinh viên cũng có thể gặp một số khó khăn khi đặt chân đến những vùng đất mới. Tiêu biểu có thể kể đến như:
Rào cản về văn hoá và ngôn ngữ: Đây có lẽ là khó khăn lớn nhất mà các bạn du học sinh có thể gặp phải khi bước chân đến một đất nước mới. Khi mới tới một quốc gia lạ lẫm, bạn có thể sẽ trải qua cảm giác vừa cô đơn vừa bất lực vì không thể chia sẻ cho ai do chưa thành thạo ngôn ngữ.Thêm vào đó, việc phải tiếp thu nhiều văn hóa mới lạ để thích nghi với cuộc sống lâu dài tại nước ngoài sẽ khiến bạn chịu ít nhiều áp lực. Thực tế đã có rất nhiều học sinh đã rơi vào trường hợp mất cả ngày trời ngồi lại thư viện mà chỉ hiểu được vài dòng nội dung rồi lại bắt đầu có những lo lắng sẽ không đảm bảo được kết quả học tập.
Đối mặt với nỗi nhớ nhà: Khi tới một đất nước để sinh sống với xung quanh là những người bạn xa lạ, bạn sẽ luôn phải đối mặt với nỗi nhớ nhà khôn xiết. Nhiều lúc, bạn sẽ phải kiềm chế nỗi nhớ nhà này để tiếp tục học tập và công tác thật tốt. Đôi khi, bạn phải tự mình đối diện với khó khăn, thất bại, buồn tủi mà không có gia đình ở bên, không có người thân an ủi, làm chỗ dựa vững chắc. Nhất là vào những ngày lễ Tết khi mà tại Việt Nam các bạn bè cùng trang lứa được trở về nhà quây quần cùng gia đình, thì bạn sẽ phải vẫn lủi thủi và cô đơn ở nơi đất khách quê người.
Đối mặt với nỗi lo về tài chính: Ở các nước càng hiện đại, phát triển thì chi phí cho việc học tập, sinh hoạt càng cao. Vì vậy, ngoài thời gian học tập trên trường, thời gian còn lại bạn có thể sẽ phải vừa tranh thủ ôn tập bài vở, vừa nhanh chóng đi làm thêm kiếm thêm thu nhập trang trải cuộc sống. Không giống như Việt Nam, hầu hết các chi phí tại nhiều quốc gia khác trên thế giới đều đắt đỏ. Vậy nên các du học sinh phải chi tiêu rất tiết kiệm thì mới có thể ổn định được tài chính và học tập lâu dài.
Áp lực học tập: Nếu bạn đã lựa chọn đi học tại nước ngoài thì cũng nên chuẩn bị sẵn tinh thần thật tốt, bởi vì việc học tập tại nước ngoài không hề đơn giản như mọi người vẫn nghĩ. Môi trường, chế độ và phương pháp học tập tại nước ngoài khác biệt rất nhiều so với Việt Nam. Du học sinh phải đáp ứng được những yêu cầu khắt khe từ phía nhà trường.Không còn lối học thụ động riêng lẻ như ở Việt Nam, tại môi trường giáo dục nước ngoài học sinh phải có tinh thần tự giác, ham học hỏi, hòa đồng và thân thiện, nâng cao tinh thần làm việc nhóm, xây dựng bài một cách hăng hái, nghiêm túc, lý thuyết luôn đi đôi với thực hành.
Sự thay đổi về môi trường khí hậu mới: Phần lớn các bạn du học sinh sẽ cảm thấy mệt mỏi, mất ngủ, thậm chí là stress thời gian đầu vì sự khác biệt về thời tiết cũng như múi giờ. Cần một khoảng thời gian để đồng hồ sinh học của cơ thể bạn thiết lập lại trạng thái tốt nhất. Thời gian này hãy cố gắng nghỉ ngơi hợp lí và cố gắng thiết lập lại những thói quen phù hợp, bạn nhé.
Như vậy, có thể thấy, du học là một hành trình dài mà mỗi bạn học sinh, sinh viên khi xác định cần phải chuẩn bị thật kĩ. Con đường này ngoài những lợi ích và cơ hội rộng mở thì cũng có những khó khăn và thử thách riêng yêu cầu bạn phải đối mặt. Thế nhưng, khi bạn đã vượt qua mọi chông gai và hết mình cố gắng, tin chắc rằng, bạn sẽ trưởng thành và đạt được nhiều thành công trong sự nghiệp cũng như cuộc sống.
Ngoài ra, nếu muốn tìm hiểu rõ hơn về lộ trình săn học bổng và du học cùng những điều kiện cần thiết để bắt đầu quá trình du học của bản thân, các bạn có thể tham khảo cuốn sách "Bước ra thế giới: Cẩm nang du học & Săn học bổng" của Spiderum
Viết bình luận
Bình luận