CẨM NANG CHỌN NGÀNH SAO CHO ĐÚNG, ÔN THI SAO CHO HIỆU QUẢ?

CẨM NANG CHỌN NGÀNH SAO CHO ĐÚNG, ÔN THI SAO CHO HIỆU QUẢ?

CẨM NANG “KHÔNG THỂ BỎ LỠ” CHO HỌC SINH CÁC CẤP: CHỌN NGÀNH SAO CHO ĐÚNG, ÔN THI SAO CHO HIỆU QUẢ? 

Chuyện chọn ngành, chọn nghề nghề dù là chủ đề không mới nhưng cứ mỗi khi kỳ thi đại học đến gần, câu hỏi làm nghề gì, học ngành nào lại trở nên “nóng hổi” hơn bao giờ hết. Học ngành nào thì không thất nghiệp, lương cao? Ngành nào cho người giỏi văn, giỏi toán? Ngành nào để…hết mông lung? 

Có bạn nghe theo lời khuyên của người thân, có bạn quyết tâm vào trường top, có bạn chọn theo xu hướng,... Nhưng đến cuối cùng, quyết định vẫn là của bạn và bạn cũng sẽ là người đi cùng quyết định ấy trong suốt phần lớn cuộc đời. Chuyện chọn nghề, vì vậy, cũng bao hàm rộng hơn, không chỉ nên thi trường nào mà còn là làm sao để tối ưu hóa ngành học bạn chọn, để đi xa, tiến sâu cùng ngành. 

Trong bài viết này, để nhà Nhện cùng bạn trả lời câu hỏi trên thông qua bản kế hoạch siêu chi tiết cho từng cấp học nhé. 

Đầu cấp, hiểu mình và hiểu nghề

Thời điểm lớp 10, 11 là khi bạn có dư giả về thời gian để tìm hiểu sở thích, những ưu, nhược điểm của chính mình để từ đó xác định ngành học phù hợp. Spiderum gợi ý bạn 2 cấp độ của sự hiểu như sau: 

Đầu tiên là hiểu mình. 

Ở phần này, có hai câu hỏi mà chúng mình muốn dành cho bạn. 

Bạn có biết mình thích gì và ghét gì không? 

Với câu hỏi số 1, chúng mình khuyến khích bạn hãy lấy ra một tờ giấy và ghi ra càng chi tiết càng tốt những điều bạn thích và không thích. Ở giai đoạn này, đừng tự giới hạn mình trong khuôn khổ của những sở thích được xem là có ích. Điều quan trọng là bạn cần rất thành thật với bản thân. Để trả lời câu hỏi này, bạn cũng có thể tham khảo các bài test tính cách như 16 Personalities, Holland, MBTI,...

Bạn có biết điều mình làm tốt nhất là gì không?

Để có câu trả lời, ngoài việc tham khảo từ các môn học, kinh nghiệm làm việc nhóm hay nhận xét từ bạn bè, thầy cô, việc tham gia tình nguyện, hoạt động ngoại khóa từ sớm sẽ rất có ích cho bạn đấy. Bởi đặc thù của các câu lạc bộ đều sẽ được phân thành các ban chức năng riêng như truyền thông, tổ chức dự án, nhân sự,.. Thông qua đó, bạn sẽ định hình được ưu điểm, nhược điểm mình đang có, cần khắc phục hay phát huy.

Ngoài ra, bạn cũng có thể tự ứng mình với những nhóm kỹ năng cần có của thế kỷ 21 để xác định đâu là kỹ năng mình có lợi thế, ví dụ như:  

  • Kỹ năng giải quyết vấn đề

  • Kỹ năng làm việc nhóm.

  • Kỹ năng giao tiếp.

  • Kỹ năng tư duy phản biện.

  • Kỹ năng tư duy sáng tạo.

Đến lúc này, nhà Nhện tin bạn đã có thể trả lời được hai câu hỏi mình thích gì và mình làm tốt điều gì. Tiếp đến, hãy nhóm lại những sở thích ứng với các kỹ năng bạn có để ra được ngành học phù hợp. Lấy ví dụ bạn thích vẽ, thích học hỏi kiến thức mới và có ưu điểm về tính cẩn thận, tỉ mỉ thì các công việc liên quan đến thiết kế, cụ thể như thiết kế branding hoặc UX/UI sẽ là lựa chọn phù hợp. 

Thứ hai là hiểu nghề. 

Ở đây Spiderum muốn nhấn mạnh việc hiểu nghề chứ không chỉ là ngành học hay trường đại học. Có một sự khác biệt giữa kiến thức học được và ứng dụng thực tế, giữa thông tin hướng nghiệp mà các trường đại học cung cấp với bức tranh nghề nghiệp toàn diện trong đời thực.

Để hiểu nghề, hiểu ngành, bạn cần phải đặt những câu hỏi đúng: đúng người và đúng mục đích. Vì rõ ràng, thông tin không thiếu nhưng thông tin nào mới thật sự quan trọng? Nhà Nhện gợi ý bạn các mẫu câu “Nếu..thì” sau để cân nhắc nhé: 

Nếu theo ngành này thì mình… 

Sẽ cần học những gì, chương trình dạy của các trường có gì khác biệt? Dưới đây là những kênh thông tin mà bạn có thể tìm hiểu để trả lời cho câu hỏi trên: 

  • Website, Fanpage, các sự kiện của trường

  • Chia sẻ từ sinh viên (đang học hoặc đã tốt nghiệp) và giáo viên của trường trên các mạng xã hội, confession

  • Các khóa học trực tuyến liên quan 

Nếu làm công việc này thì mình… 

Có mức lương bao nhiêu, có cơ hội thăng tiến như thế nào, làm những đầu việc gì, tập trung ở các thành phố nào? Tùy theo mục tiêu, bạn có thể tìm thông tin tại: 

  • Những website tuyển dụng như TopCV, VietnamWork,... 

  • Website, workshop, event chuyên ngành 

  • Chia sẻ từ anh chị trong ngành trên các nền tảng như Linkedin, Facebook,.. 

 

Nếu chưa biết bắt đầu từ đâu thì…

Để Spiderum giúp bạn cùng bí kíp hướng nghiệp với:

Sách Người trong muôn nghề -Định hướng nghề nghiệp toàn diện

Cuối cấp, lên chiến lược để vượt vũ môn 

Bước 1: Mục tiêu hợp lý, tiến bước không ngần ngại 

Sau khi đã hiểu mình, xác định được ngành học, việc tiếp theo bạn cần làm là lựa chọn trường đại học phù hợp. Tất nhiên, bên cạnh đại học, còn nhiều con đường khác dành cho bạn nhưng chúng mình sẽ đề cập đến trong một bài viết khác nhé. 

Mục tiêu phù hợp sẽ cần đảm bảo được các yếu tố SMART: 

  • S – Specific (Cụ thể, dễ hiểu): Bạn muốn học ngành nào, trường đại học nào, số điểm bao nhiêu, số điểm chênh lệch qua các năm như thế nào?

  • M – Measurable (Đo lường được): Để đủ điểm vào được ngôi trường mơ ước, bạn cần bao nhiêu điểm, số điểm mỗi môn ra sao? 

  • A – Attainable (Có thể đạt được): Bạn có thể đạt được bao nhiêu điểm tương ứng với từng môn, đâu là môn học bạn có thể tập trung để bứt phá? 

  • R – Relevant (Thực tế): Số điểm tối thiểu bạn có thể đạt được là bao nhiêu, đâu là lựa chọn trường đại học an toàn cho bạn?

  • T – Time-Bound (Thời gian hoàn thành): Với mức điểm đề ra, bạn kỳ vọng mình sẽ đạt được các mốc điểm như thế nào, tương ứng với thời gian ra sao, nếu không đạt được thì giải pháp thay thế của bạn là gì? 

Mục tiêu càng rõ ràng, khả năng bạn đạt được kết quả như ý sẽ càng cao hơn. Vì vậy, với mục tiêu đề ra, hãy lên một kế hoạch thật chi tiết và đủ khả thi nhé. 

Bước 2: Ôn thi thư thả, gặt hái thành quả 

Với các sĩ tử cuối cấp, Nhà Nhện gợi ý các bạn lộ trình gồm 3 giai đoạn cụ thể như sau:  

Giai đoạn 1 (Tháng 5 đến tháng 12): Nắm chắc kiến thức nền tảng

Vì kiến thức thi THPT QG sẽ bao gồm kiến thức của cả 3 khối lớp nên khoảng thời gian hè và đầu học kỳ I lớp 12 sẽ là thời gian phù hợp để bạn đảm bảo nắm chắc nền tảng kiến thức căn bản. 

Ở giai đoạn này, bạn có thể kết hợp ôn theo chuyên đề, lý thuyết và thực hành bài tập để đẩy nhanh tiến độ, đồng thời tham khảo từ các khóa học online, sách luyện thi, bài giảng trực tuyến,..  

Một vài ghi nhớ nhỏ cho bạn: 

  • Hiểu sâu mới nhớ lâu, hãy đảm bảo mình không bỏ qua lý thuyết nào nhé 

  • Hệ thống hóa kiến thức, ghi chép một lần để xem lại x10 lần sau nữa

Giai đoạn 2 (Tháng 1 đến tháng 4): Ôn luyện toàn diện, nhận diện mọi dạng đề  

Đây là khoảng thời gian khá là áp lực với các bạn học sinh, khi chúng mình bắt đầu bước vào hành trình thực chiến giải đề. Vạn sự khởi đầu nan, dù khó khăn nhưng điểm thi chắc chắn sẽ tăng nếu bạn có phương pháp ôn tập phù hợp.  

Bước đầu, hãy đi từ các dạng bài cơ bản trước, sau khi đã nắm vững thì hẵng tiến đến các dạng bài khó hơn. Bạn cũng có thể hệ thống hóa các chuyên đề sẽ xuất hiện trong bài thi, phân loại và đề ra cơ chế ôn luyện phù hợp với từng dạng bài. Mục tiêu của giai đoạn này là nắm chắc được 80% kiến thức ᴠà cơ bản làm được mọi dạng bài đưa ra. 

Một vài ghi nhớ nhỏ cho bạn: 

  • Ghi chép lại những lỗi sai gặp phải, gặp một lần là nhớ cả đời

  • Đặt ra những cột mốc điểm cho bản thân để tự động viên, đề ra thời gian biểu hợp lý 

Giai đoạn 3 (Tháng 5 đến khi thi): Ôn luyện đề, tối đa hóa điểm ѕố

Đây là giai đoạn nước rút, cũng là lúc bạn cần dành nhiều thời gian để bứt phá điểm số nhất. Bạn nên luyện tối thiểu 1 đến 2 đề/tuần cho 1 môn. Bên cạnh việc rèn luyện tâm lý, thời gian, tốc độ làm bài,.. việc luyện đề cũng giúp bạn biết được mức điểm của mình hiện tại và đề ra các chiến lược ôn thi hợp lý. 

Một vài ghi nhớ nhỏ cho bạn: 

  • Ôn đề nhưng đừng để bị ngộ đề, đảm bảo mình đã hiểu rõ các lỗi ở đề cũ trước khi chuyển sang đề mới

  • Tìm hiểu về các mẹo giải bài, làm bài trắc nghiệm để đẩy nhanh thời gian làm bài 

 

Bước 3: Lên nguyện vọng, chọn trường thật chuẩn 

Lên nguyện vọng như thế nào cho chuẩn, follow 4 bước đơn giản như sau nhé: 

  • Lập danh sách các trường, ngành mình quan tâm 

  • Lựa chọn tầm 6 ngành/trường có điểm chuẩn dao động quanh điểm thi của mình 

  • Sắp xếp thứ tự nguyện vọng theo ngành/trường ưa thích 

  • Đừng bỏ qua những trường có điểm chuẩn các năm thấp hơn điểm của mình để đảm bảo cơ hội đỗ nha

Bên cạnh đó, tùy theo phương thức tuyển sinh của từng trường mà bạn có thể cân nhắc việc xét tuyển qua học bạ, các kỳ thi đánh giá năng lực,.. Thông qua đó, bạn có thể đăng ký xét tuyển song song với việc ôn thi đại học để đảm bảo cơ hội trúng tuyển cao nhất. 

Cuối cùng, đừng quên rằng kỳ thi đại học cũng chỉ là một cột mốc nhỏ trong quá trình trưởng thành. Điều quan trọng hơn là dành thời gian để lựa chọn ngành nghề - điều sẽ gần như đi theo bạn đến suốt cuộc đời. Nên hãy tỉnh táo, thực tế và cẩn thận để đưa ra lựa chọn đúng đắn cho bản thân!

 

Nguồn tham khảo: 

https://nguyenminhchau.com/ke-hoach-on-thi-thpt-quoc-gia/

https://hiu.vn/tuyen-sinh/dang-ky-nguyen-vong-the-nao-de-khong-vuot-mat-nganh-yeu-thich/

← Bài trước Bài sau →

Bình luận