SENECA - Trụ cột Chủ nghĩa Khắc kỷ

SENECA - Trụ cột Chủ nghĩa Khắc kỷ

SENECA LÀ AI? 

Tiểu sử 

Lucius Annaeus Seneca - hay thường được gọi là Seneca Trẻ - sinh ra trong một gia đình kỵ sĩ xuất chúng ở Corduba, Tây Ban Nha, trong khoảng thời gian từ năm 4 đến 1 TCN. Ông là con trai thứ hai trong ba người con của Helvia và Seneca Già (con trai út, Annaeus Mela, là cha của nhà thơ Lucan). Anh cả của Seneca dành phần lớn cuộc đời ở Rome, và bản thân Seneca cũng được đưa đến Rome khi còn là một cậu bé. Tại đây, ông được học về hùng biện và sau đó trở thành học trò của triết gia Sextius.

Seneca gửi thư cho ai?

Những năm cuối đời, Seneca có viết một tác phẩm dưới dạng những bức thư gửi Lucilius. Đây cũng là tác phẩm nổi tiếng nhất của ông có tên "Seneca: Letters on Ethics To Lucilius" - cuốn sách này đã được chuyển ngữ tại Việt Nam với cái tên Seneca: Những bức thư đạo đức. Cuốn sách này là một trong ba cuốn sách nền tảng của Chủ nghĩa Khắc kỷ cùng với Meditations của Marcus AureliusThe Discourse của Epictetus.

Sự nghiệp của Seneca

Năm 41 - Bị đi đày ở Corisa

Con đường tham gia chính trường của Seneca gặp nhiều cản trở, khi ông bước chân vào hệ thống văn phòng cấp bậc La Mã cuối thời Tiberius trị vì, ông đã gặp nhiều khó khăn vì sức khỏe yếu (do mắc bệnh hen suyễn và có thể là bệnh lao). Dù thế nào thì sự nghiệp của ông cũng ngắn ngủi. Các tài liệu cho biết ông đã sống sót dù bị Caligula căm ghét bởi tài năng hùng biện của mình, nhưng lại bị Claudius đưa đi đày ở Corsica ngay sau cái chết của Caligula vào năm 41. Lời buộc tội ông ngoại tình với em gái của Caligula, bà Julia Livilla, gần như chắc chắn sai. Seneca đã dành thời gian khi bị lưu đày để nghiên cứu triết học, tự nhiên và viết Lời an ủi (Consolations) cho Helvia (mẹ của ông) và cho Polybius (cựu nô lệ và thư ký của Claudius), qua đó, ta biết ông đã tuyệt vọng như thế nào với hy vọng được quay trở về Rome.

Năm 49 - Trở về Rome

Nhờ nhiều sự bảo trợ, Seneca quay về năm 49. Claudius lúc đó đã tái hôn với Agrippina, con gái của Germanicus, và bà thúc giục vị vua triệu hồi Seneca về làm gia sư cho cậu con trai mười hai tuổi là Nero. Claudius có một đứa con trai nhỏ hơn tên Britannicus, nhưng Agrippina quỷ quyệt lại muốn máu mủ ruột thịt của mình nối ngôi. Năm năm sau, Claudius qua đời, Agrippina đưa Nero lên làm hoàng đế – và ngay sau đó giết Britannicus bằng thuốc độc, vào năm 55.

Năm 54 - Cố vấn nhà vua Nero

Từ năm 54 cho đến cuối thập kỷ khi uy thế của Nero bị suy yếu, Seneca, cùng với pháp quan thủ hộ Sextus Afranius Burrus, đóng vai trò cố vấn của vua. Chúng ta biết ông đã viết một bài diễn văn bàn về lòng khoan dung để Nero đọc trước Viện Nguyên lão La Mã ngay sau khi lên ngôi, và bài luận riêng của Seneca có tên Bàn về Lòng khoan dung có thể chứa một số ý kiến về chiến lược của ông để ngăn vị hoàng đế không lộng hành tàn bạo. Việc Seneca sử dụng những cụm như "đang trị vì", hoặc "vị vua" để nói về Nero trong bài phát biểu này khiến một nghị sĩ La Mã ngạc nhiên, nhưng dường như ông đã hy vọng việc tâng bốc Nero bằng cách chỉ ra sức mạnh vô hạn của ngôi vàng và giá trị của lòng khoan dung là cách để ngăn ông ta lạm dụng quyền lực. Cả Seneca và Burrus cũng giúp đỡ việc quản lý dân sự và tư pháp của đế chế La Mã thời đại này.

Năm 59 - Suy tàn 

Nhiều nhà sử học, cả cổ đại và hiện đại, đều cảm thấy rằng giai đoạn đầu trong thời trị vì của Nero, nhờ Seneca và Burrus tiết chế, đã đại diện cho một thời kỳ cai trị tương đối ổn định và hòa hợp (the "quinquennium Neronis"). Sự suy tàn bắt đầu năm 59, khi Nero giết Agrippina, rồi Seneca viết diễn văn tự bào chữa cho hoàng đế – có lẽ đây là ví dụ nổi tiếng nhất về việc triết gia này thấy mình ngày càng bị tổn thương trong vị trí cố vấn trưởng của Nero. Chắc chắn ở tư cách một người Khắc Kỷ, Seneca trở thành hình tượng đối lập rõ ràng với Nero, như Thrasea Paetus và Helvidius Priscus. Việc tham gia nghị sự triều chính có lẽ đã khiến ông tin mình có thể làm được nhiều điều tốt từ vị trí đó hơn là để Nero tự giải quyết – nếu ông có thể có lựa chọn này.

Năm 62 - Rời khỏi chính trường và cái chết

Dù sao đi nữa, sức ảnh hưởng của Seneca lên Nero dường như đã phai mờ đáng kể sau cái chết của Burrus năm 62. Theo Tacitus, Seneca đã cố gắng bãi vị hai lần, vào năm 62 và 64. Mặc dù bị Nero từ chối việc bãi vị, nhưng Seneca hầu như vắng mặt trong triều chính sau năm 64. Năm 65, C. Calpurnius Piso âm mưu đảo chính, tìm cách ám sát Nero và tự mình kế vị. Mặc dù cháu trai của Seneca là Lucan dính líu đến vụ ám sát ấy, có lẽ Seneca vô tội. Tuy nhiên, Nero đã bắt lấy cơ hội này để ra lệnh cho cựu cố vấn của mình phải tự tử. Seneca tự cắt tĩnh mạch, nhưng (theo lời Tacitus) cơ thể gầy gò và tuổi cao sức yếu đã khiến máu ông khó chảy ra được. Khi một liều thuốc độc cũng không thể giết nổi mình, Seneca đã ngồi vào bồn tắm nước nóng để máu chảy nhanh hơn. Vợ ông, Pompeia Paulina, cũng cố gắng tự tử nhưng được cứu theo lệnh của Nero.

Chủ nghĩa Khắc Kỷ của Seneca

Seneca tự nhận là người theo trường phái Khắc Kỷ. Ông bày tỏ lòng trung thành bằng cách liên tục đề cập đến “những người chúng tôi” (nostri) – những nhà Khắc Kỷ – trong các tác phẩm của mình. Tuy nhiên, ông vẫn giữ sự độc lập trong mối quan hệ với các nhà Khắc Kỷ khác. Dù cam kết gìn giữ các học thuyết cơ bản của phái Khắc Kỷ, nhưng Seneca đã viết lại chúng dựa trên cơ sở kinh nghiệm của bản thân với tư cách là một người La Mã cũng như hiểu biết về các triết gia khác. Về mặt này, ông tuân theo truyền thống đổi mới triết học Khắc Kỷ mà minh chứng rõ ràng nhất là Panaetius và Posidonius, những người đã đưa thêm một số yếu tố của triết học Platon và Aristotle khi áp dụng Chủ nghĩa Khắc Kỷ vào hoàn cảnh La Mã. Seneca khác với những nhà Khắc Kỷ trước đó vì ông hoan nghênh một số khía cạnh của triết học Epicurus cùng những trường phái khác.

Đọc thêm: Chủ nghĩa Khắc kỷ - triết học của sự bình thản trong tâm hồn

Trên tất cả, Seneca quan tâm đến việc áp dụng các nguyên tắc đạo đức Khắc Kỷ vào cuộc sống của mình và của những người khác giống ông. Câu hỏi chi phối các tác phẩm triết học của ông là làm thế nào một cá nhân có thể đạt được cuộc sống tốt đẹp. Trong mắt ông, việc tìm kiếm đức hạnh và hạnh phúc là một nỗ lực quả cảm, đặt người thành công lên trên những công kích của số phận và ngang hàng với thần linh. Để đạt mục tiêu này, Seneca biến nhà hiền triết thành một nhân vật truyền cảm hứng có thể thúc đẩy người khác trở nên giống ngài bằng tính nhân văn nhẹ nhàng và sự yên bình vui vẻ. 

Các chủ đề chính mà ông khai thác:

  • cách hóa giải nghịch cảnh với sự lo xa

  • cách giải thoát bản thân khỏi những cảm xúc mạnh (đặc biệt là giận dữ và đau buồn)

  • cách đối mặt với cái chết

  • cách thoát khỏi sự dính líu chính trị

  • cách thực hành sự thiếu thốn, 

  • cách sử dụng của cải và cách mang lại lợi ích cho người khác. 

Tất cả những nỗ lực này được xem xét trong bối cảnh của một vị thần tối cao, lý trí và nhân đức, người có thiện ý với những nỗ lực của con người để đạt được trạng thái đức hạnh tương tự. Trong lĩnh vực chính trị, Seneca lập luận về sự khoan dung thay cho Nero, người thống trị tối cao. Trong quan hệ giữa người với người, ông đặc biệt chú trọng đến tình bạn và địa vị của những người nô lệ. Nhìn chung, ông đặt mục tiêu thay thế các hệ thống cấp bậc trong xã hội, với sự phụ thuộc vào tài sản, và với một hệ thống phân cấp đạo đức được sắp xếp theo mức độ gần gũi với mục tiêu trở thành nhà hiền triết.

👉 ĐỂ HIỂU THÊM VỀ CHỦ NGHĨA KHẮC KỶ VÀ THỰC HÀNH CÙNG SENECA, BẠN CÓ THỂ ĐẶT MUA BỘ SÁCH NGAY TẠI ĐÂY:

Combo sách Seneca tập 1 + 2

Combo Sách Seneca: Những Bức Thư Đạo Đức Tập 1 + Tập 2

Những vở bi kịch của Seneca

Seneca viết tám vở bi kịch:

  • Agamemnon

  • Thy- estes 

  • Oedipus 

  • Medea 

  • Phaedra 

  • Phoenissae 

  • Troades 

  • Hercules Furens 

Không bao gồm Octavia do không xác định được, còn Hercules Oetaeus có lẽ là giả mạo; tác phẩm Phoenissae chỉ còn lại những mẩu rời rạc. Những vở kịch này đã trải qua thăng trầm trong suốt nhiều thế kỷ; tuy nhiên, chúng không còn bị chỉ trích là phiên bản thiếu sót của những vở kịch Hy Lạp cũ nữa, trong đó, vấn đề chính của Seneca đã được giải quyết. 

Dù các vở kịch của Seneca từng được khai thác chỉ để làm sáng tỏ triết lý Khắc Kỷ La Mã, làm ví dụ về sự ngông cuồng khoa trương, hoặc để dựng lại các vở kịch bị thất lạc của Sophocles và các cộng sự của ông, nhưng những nét tiêu biểu từng bị cho là không có giá trị, giờ đây, lại thu hút chúng ta theo cách riêng. 

Thật vậy, trong các vở bi kịch của La Mã, chúng là những phiên bản duy nhất còn tồn tại, những tác phẩm của các nhà viết kịch khác như Marcus Pacuvius (khoảng 220 - 130 TCN) và Lucius Accius (khoảng 170 - 86 TCN) đã bị thất lạc. Vì vậy, chỉ có các vở kịch phiên bản của Seneca là được dịch sang tiếng Anh như vở Tenne Tragedies (dịch năm 1581), có ảnh hưởng đến các tác giả viết bi kịch thời Elizabeth.

 

VỀ CÁI CHẾT CỦA SENECA

Trước kia, Seneca từng nói cái chết do thuốc độc của Socrates khiến ông ấy trở nên vĩ đại (Bức thư 13,14). Lý do là: Cái chết của Socrates đã chứng tỏ tính kiên định trong các nguyên tắc triết học của ông và niềm tin cái chết không có gì đáng sợ. Sau đó, khi chính Seneca bị Nero ra lệnh phải tự sát vào năm 65, chúng ta có thể tin vào những ghi chép trong Biên niên sử (Annals) của Tacitus (15.63) viết rằng người Khắc Kỷ thời La Mã đã mô phỏng cái chết của ông dựa trên Socrates, ông bình tĩnh diễn thuyết về triết học với bạn bè trong khi máu vẫn chảy ra khỏi tĩnh mạch. Trong mô tả của Tacitus, chỉ một lần duy nhất, chúng ta bắt gặp một nhân vật bị chỉ trích rất nhiều mà vẫn sống theo những nguyên tắc ông ấy đã rao giảng.

 

Ngoài ra, nếu bạn muốn tìm hiểu thêm về Marcus Aurelius, cũng như Chủ nghĩa Khắc Kỷ và các phương pháp sử dụng để thực hành triết học trong cuộc sống thường ngày, bạn có thể tìm đọc cuốn sách "Suy tưởng" được dịch bởi Spiderum nhé.

sach-suy-tuong-marcus-aurelius

Sách Suy Tưởng - Marcus Aurelius

 


Bài viết cùng chủ đề:

5 lầm tưởng về chủ nghĩa Khắc kỷ

Chủ nghĩa Khắc kỷ của Seneca

Để biết thêm thông tin

Về cuộc đời của Seneca: Miriam T. Griffin với Seneca: Một triết gia trong chính trị (Seneca: A Philosopher in Politics) (Oxford: 1976), và Paul Veyne với Seneca: Cuộc đời của một người Khắc Kỷ (Seneca: The Life of a Stoic), được dịch từ tiếng Pháp bởi David Sullivan (New York: 2003). 

Về tư tưởng triết học của ông: Brad Inwood với Seneca: Triết học Khắc Kỷ ở Rome (Seneca: The Life of a Stoic) (Oxford: 2005), và Shadi Bartsch và David Wray với Seneca và cái Tôi (Seneca and the Self) (Cambridge: 2009). 

Về các vở kịch: A. J. Boyle với tác phẩm Một Seneca bi kịch: một bài luận về truyền thống sân khấu (Tragic Seneca: An Essay in the Theatrical Tradition) (New York và London: 1997); C. A. J. Littlewood với Tái hiện cái tôi và ảo ảnh trong Bi kịch của Seneca (Self-Representation and Illusion in Senecan Tragedy) (Oxford: 2004); và Thomas G. Rosenmeyer với Kịch Seneca và vũ trụ học Khắc Kỷ (Senecan Drama and Stoic Cosmology) (Berkeley: 1989). 

Về Seneca và Shakespeare: Robert S. Miola với tác phẩm Shakespeare và Bi kịch cổ điển: Ảnh hưởng từ Seneca (Shakespeare and Classical Tragedy: The Influence of Seneca) (Oxford: 1992), và Henry B. Charlton với Truyền thống Seneca trong bi kịch Phục Hưng (The Senecan Tradition in Renaissance Tragedy) (Manchester: 1946).

← Bài trước Bài sau →

Bình luận