Chủ nghĩa Khắc kỷ của Seneca: Lối sống tối giản cho cuộc sống ý nghĩa

Chủ nghĩa Khắc kỷ của Seneca: Lối sống tối giản cho cuộc sống ý nghĩa

Trong các tác giả của Chủ nghĩa Khắc kỷ, người khiến tôi cảm thấy gần gũi nhất, hay có thể nói là nguồn cảm hứng về Khắc kỷ của tôi, là Seneca. Đọc Seneca không chỉ về triết học, mà còn về trải nghiệm nghệ thuật, khi những bài học, triết lý quan trọng được phản ánh qua những hình ảnh quen thuộc, bình dị và đời thường, thể hiện cái tinh tế trong quan sát của một thiên tài với sự từng trải của cuộc đời. Một anh bạn người Ý của tôi từng chia sẻ rằng tác phẩm của Seneca được đưa vào chương trình giảng dạy tại Ý như một bậc thầy về việc sử dụng ngôn từ

Với hy vọng giới thiệu Chủ nghĩa Khắc kỷ đến với các bạn trẻ Việt Nam, tôi quyết định dịch "Seneca: Letters on Ethics To Lucilius" – tác phẩm đã làm nên tên tuổi của Seneca và là 1 trong 3 cuốn sách nền tảng của Chủ nghĩa Khắc kỷ.

 

👉 ĐỂ HIỂU THÊM VỀ CHỦ NGHĨA KHẮC KỶ VÀ THỰC HÀNH CÙNG SENECA, BẠN CÓ THỂ ĐẶT MUA BỘ SÁCH NGAY TẠI ĐÂY:

Combo Sách Seneca: Những Bức Thư Đạo Đức Tập 1 + Tập 2

Combo Sách Seneca: Những Bức Thư Đạo Đức Tập 1 + Tập 2

Seneca và Chủ nghĩa Khắc kỷ

Seneca tự nhận là người theo trường phái Khắc Kỷ. Ông bày tỏ lòng trung thành bằng cách liên tục đề cập đến “những người chúng tôi” (nostri) – những nhà Khắc Kỷ – trong các tác phẩm của mình. Tuy nhiên, ông vẫn giữ sự độc lập trong mối quan hệ với các nhà Khắc Kỷ khác. Dù cam kết gìn giữ các học thuyết cơ bản của phái Khắc Kỷ, nhưng Seneca đã viết lại chúng dựa trên cơ sở kinh nghiệm của bản thân với tư cách là một người La Mã cũng như hiểu biết về các triết gia khác. Về mặt này, ông tuân theo truyền thống đổi mới triết học Khắc Kỷ mà minh chứng rõ ràng nhất là PanaetiusPosidonius, những người đã đưa thêm một số yếu tố của triết học PlatonAristotle khi áp dụng Chủ nghĩa Khắc Kỷ vào hoàn cảnh La Mã. Seneca khác với những nhà Khắc Kỷ trước đó vì ông hoan nghênh một số khía cạnh của triết học Epicurus cùng những trường phái khác.

Seneca và Các nguyên tắc đạo đức

Trên tất cả, Seneca quan tâm đến việc áp dụng các nguyên tắc đạo đức Khắc Kỷ vào cuộc sống của mình và của những người khác giống ông. Câu hỏi chi phối các tác phẩm triết học của ông là làm thế nào một cá nhân có thể đạt được cuộc sống tốt đẹp. Trong mắt ông, việc tìm kiếm đức hạnh và hạnh phúc là một nỗ lực quả cảm, đặt người thành công lên trên những công kích của số phận và ngang hàng với thần linh. Để đạt mục tiêu này, Seneca biến nhà hiền triết thành một nhân vật truyền cảm hứng có thể thúc đẩy người khác trở nên giống ngài bằng tính nhân văn nhẹ nhàng và sự yên bình vui vẻ.

 Các chủ đề chính là:

  • cách hóa giải nghịch cảnh với sự lo xa, 
  • cách giải thoát bản thân khỏi những cảm xúc mạnh (đặc biệt là giận dữ và đau buồn), 
  • cách đối mặt với cái chết, 
  • cách thoát khỏi sự dính líu chính trị, 
  • cách thực hành sự thiếu thốn, 
  • cách sử dụng của cải và cách mang lại lợi ích cho người khác. 

Tất cả những nỗ lực này được xem xét trong bối cảnh của một vị thần tối cao, lý trí và nhân đức, người có thiện ý với những nỗ lực của con người để đạt được trạng thái đức hạnh tương tự. Trong lĩnh vực chính trị, Seneca lập luận về sự khoan dung thay cho Nero, người thống trị tối cao. Trong quan hệ giữa người với người, ông đặc biệt chú trọng đến tình bạn và địa vị của những người nô lệ. Nhìn chung, ông đặt mục tiêu thay thế các hệ thống cấp bậc trong xã hội, với sự phụ thuộc vào tài sản, và với một hệ thống phân cấp đạo đức được sắp xếp theo mức độ gần gũi với mục tiêu trở thành nhà hiền triết.

Những mối quan tâm và tính cách riêng của Seneca thấm nhuần trong các tác phẩm của ông. Độc giả hiện đại biết được nhiều điều về cuộc sống của một quý tộc vào thời Claudius và Nero, cũng như điểm mạnh và điểm yếu cá nhân của Seneca. Đồng thời, trong tác phẩm cũng có nhiều điều vượt quá những mối quan tâm trước mắt của Seneca cũng như thời kỳ của ông. Một số chủ đề đặc biệt gây được tiếng vang với khán giả hiện đại, đó là cái nhìn của ông về con người với tư cách là thành viên một cộng đồng toàn cầu, sự tôn trọng đối với nô lệ, mối quan tâm của ông đối với cảm xúc con người và sự kiên định về việc ông nhìn vào bản thân để tìm kiếm hạnh phúc nói chung. Có lẽ điều ít lôi cuốn hơn đối với độc giả hiện đại chính là sự trau chuốt về tu từ trong thông điệp của ông, vốn có khuynh hướng cường điệu không thể phủ nhận. Hơn hết, tính cách của Seneca khiến nhiều độc giả cảm thấy khó hiểu. Từ thời của mình trở đi, ông đã bị một số người coi là kẻ đạo đức giả, là người không thực hành những gì bản thân thuyết giáo. Một số tác phẩm của Seneca (đặc biệt là Những lời an ủi (Consolations) cho Polybius và mẹ ông, bà Helvia, và bài luận Bàn về Cuộc sống hạnh phúc (On the Happy Life)) rõ ràng mang tính phục vụ bản thân. Như chính Seneca gợi ý (Bức thư 84), ông biến những lời dạy mà ông đã chắt lọc cần mẫn theo cách của những con ong thành một tổng thể phản ánh tính cách phức tạp của mình.

Phép biện chứng và thuật hùng biện

Các nhà Khắc Kỷ chia logic thành phép biện chứng (lập luận ngắn) và thuật hùng biện (giải thích liên tục). Không có nhiều điều để nói về phép biện chứng trong các tác phẩm của Seneca, ngoại trừ việc ông tránh xa nó, cùng với logic hình thức nói chung. Tuy nhiên, ông thường xuyên đưa ra những lập luận mang tính châm biếm kiểu Khắc Kỷ tinh vi. Vấn đề ở đây là việc mang lại độ chính xác hợp lý quá mức sẽ không hiệu quả: nó không khiến một người trở nên tốt hơn chút nào. Nên tránh mọi kiểu ngụy biện, cho dù chúng có giúp ta vượt qua tranh luận, tạo nên những sự khác biệt trong lời nói, hay thỏa sức giải thích ngữ văn trừu tượng đi chăng nữa. Trong khi đưa ra quan điểm, Seneca đảm bảo độc giả biết rằng ông có thể đánh bại sở trường của một kẻ hay ngụy biện nếu ông muốn.

Chúng ta chỉ có những chi tiết rời rạc về cách các nhà Khắc Kỷ nhìn nhận thuật hùng biện. Tuy nhiên, rõ ràng Seneca đã sử dụng đầy đủ các phương pháp hùng biện của người La Mã để thuyết phục người đọc về thông điệp triết học của mình. Các tác phẩm của ông chứa đầy những ví dụ sống động, những ẩn dụ ấn tượng, những câu nói hay và những hiệu ứng âm thanh dứt khoát. Ông biết cách thay đổi giọng điệu, từ cuộc trò chuyện bình thường đến lời cổ vũ mạnh mẽ và sự lên án quyết liệt. Ông đưa vào bài viết những nhân vật khác nhau: người nhận, người nghe ngụ ý, những người phản đối giả thuyết, bạn bè, đối thủ, các nhân vật lịch sử. Bản thân ông chú ý đến các nghi thức như một người bạn cẩn thận và đôi khi là kẻ thù. Sau Cleanthes, ông xen kẽ thơ vào văn xuôi để thúc đẩy người đọc hướng tới nhiệm vụ hoàn thiện bản thân một cách mạnh mẽ hơn.

Seneca và Vật lý Khắc kỷ

Với các mục tiêu về đạo đức của Seneca, có lẽ thật đáng ngạc nhiên khi ông dành cho vật lý một tác phẩm lớn, đó là Những câu hỏi tự nhiên (Natural Questions). Tuy nhiên, toàn bộ tác phẩm lại bao hàm đạo đức. Như Seneca nhiều lần nhấn mạnh, tâm trí được nâng cao khi mạo hiểm vượt ra ngoài những mối quan tâm hạn hẹp của con người để có cái nhìn bao quát thế giới. Việc chiêm nghiệm thế giới vật chất bổ sung cho hành vi đạo đức bằng cách phơi bày toàn bộ bối cảnh hành xử của con người: chúng ta nhìn thấy thần linh với vầng hào quang, ngài quan tâm đến cuộc sống của con người khi cai quản toàn bộ thế giới. Theo tinh thần của Lucretius (người bảo vệ cho triết học đối thủ), Seneca cũng xen kẽ các thông điệp đạo đức trong suốt quá trình tìm hiểu về vật lý của mình. Vì vậy, ông nhấn mạnh con người phải đương đầu với các sự kiện tự nhiên, chẳng hạn như cái chết và thiên tai, bằng lòng dũng cảm và lòng biết ơn đối với thần linh; và ông cảnh báo việc con người lạm dụng nguồn tài nguyên thiên nhiên và sự suy đồi đi kèm với sự tiến bộ. Trong tất cả các lĩnh vực nghiên cứu, vật lý học chiếm phạm vi lớn nhất để Seneca bổ sung và sửa chữa học thuyết Khắc Kỷ. Ông đi qua toàn bộ lịch sử của các nghiên cứu vật lý, từ thời Tiền Socratic đến thời của mình, để cải thiện Chủ nghĩa Khắc Kỷ.

Seneca viết (trong Bức thư 45.4) dù ông tin vào "sự phán xét của những người vĩ đại,” ông cũng tự mình đưa ra phán xét: triết gia đi trước để lại những thứ cho chúng ta khám phá, mà nếu không bị cuốn vào những ngụy biện vô ích, có lẽ họ đã tự mình khám phá ra. Cứ cho là Seneca thể hiện sự hăng hái trong việc nghiên cứu về vũ trụ học thì những lời ông dạy về đạo đức cũng là sản phẩm của sự phán đoán và đổi mới của chính ông. Những gì ông đóng góp là một cái nhìn mới, hơn là những lý thuyết mới. Sử dụng một số nét khác biệt theo đúng trường phái Khắc Kỷ làm cơ sở, ông vẽ nên một bức tranh mới về những thách thức mà con người phải đối mặt và hạnh phúc đang chờ đợi những người thực hành triết lý đúng đắn. Đồng tình với quan điểm chính thống của Khắc Kỷ, Seneca không khoan nhượng với sự khác biệt giữa lợi thế bên ngoài và điều tốt lành, với nhu cầu xóa bỏ đam mê, với lý tính hoàn hảo của người khôn ngoan, và sự đồng nhất của thần linh với số phận. Những gì ông bổ sung là lòng nhiệt thành về đạo đức, cùng khả năng cảm thụ thơ ca tốt, biến những sự khác biệt này thành bàn đạp để hành động.

Nhà hiền triết Khắc Kỷ thường bị các nhà phê bình xem như một nhân vật đáng sợ, nằm ngoài khả năng của con người và miễn nhiễm với cảm giác của con người. Seneca thừa nhận, hay đúng hơn là nhấn mạnh, nhà hiền triết thực ra rất hiếm; ông nhận xét nhà hiền triết giống như phượng hoàng, có lẽ năm trăm năm mới xuất hiện một lần (Bức thư 42.1). Như ông thấy, địa vị đặc biệt của nhà hiền triết không phải rào cản, mà là nguồn cảm hứng để tiến bộ. Seneca viện dẫn Cato trẻ, đối thủ của Julius Caesar, làm ví dụ về nhà hiền triết trong đời sống thực. Cato thực sự không chỉ là một nhà hiền triết; Seneca nói ông không chắc liệu Cato thậm chí có thể vượt trội hơn cả ông (Bàn về Tính kiên trì (On Constancy) 7.1). Trong đó, ông không xóa mờ những sự khác biệt Khắc Kỷ mà làm nổi bật sức mạnh đạo đức không thể khuất phục của một nhà hiền triết. Thông qua Cato và nhiều ví dụ khác từ quá khứ của La Mã, Seneca kết nối nhà hiền triết Khắc Kỷ với hình ảnh truyền thống của một anh hùng La Mã, từ đó, thúc đẩy độc giả La Mã hoàn thành nhiệm vụ của họ bằng cách làm theo cả hai hình mẫu trên cùng một lúc.

Seneca - Nhà hiền triết

Dưới cấp độ của nhà hiền triết, Seneca vạch ra ba giai đoạn của sự tiến bộ đạo đức, được phân chia theo mức độ dễ bị tổn thương của chúng ta đối với những cảm xúc phi lý trí (Bức thư 75). Có một trạng thái gần giống với việc trở thành nhà hiền triết, trong đó, người ta vẫn chưa tự tin có thể chịu đựng những cảm xúc vô lý (những thứ gọi là đam mê, pathê). Ở cấp độ thấp hơn, một người vẫn có khả năng sa ngã, và ở mức độ tiến bộ thấp nhất, một người có thể tránh được hầu hết những cảm xúc phi lý trí, nhưng không phải tất cả. Dưới đó là vô số người vẫn chưa đạt được chút tiến bộ nào. Seneca không có gì để nói về những người này; ông muốn tránh xa họ vì sợ mình sẽ bị ảnh hưởng. Những người ông chấp nhận là những người đang đấu tranh để đẩy lùi đau khổ và trở nên tốt hơn; nhưng ông khẳng định giai đoạn này phải ngắn gọn. Những nhà Khắc Kỷ nói “những điều quan trọng”, nhưng họ không cho phép lời than vãn và rên rỉ; còn Seneca sẽ áp dụng giọng điệu nhẹ nhàng hơn (Những bức thư 23.4). Dù vậy, ông vẫn khẳng định, những lời đấy là "đúng"; và mục đích của ông là hướng đến mục tiêu có một thái độ bình thản với hoàn cảnh bên ngoài. Như bao người, người khôn ngoan dễ bị những cú sốc ban đầu – những phản ứng thoáng qua giống như những cảm xúc phi lý – nhưng đây là những phản ứng không tự nguyện và sẽ bị loại bỏ ngay lập tức nhờ bình tĩnh phán đoán. Đối với Seneca, nhà hiền triết là người tốt bụng với người khác và tràn ngập niềm vui thanh thản, chứ không phải thứ khoái lạc phù du có được từ ngoại cảnh.

Hướng tới Chủ nghĩa anh hùng của người La Mã, Seneca miêu tả sự tiến bộ về mặt đạo đức như cuộc đấu tranh gian khổ, giống một chiến dịch quân sự hoặc cơn bão dữ dội vào vị trí kẻ thù. Kẻ thù mang tên vận mệnh, tấn công tất cả nạn nhân của nó một cách hung ác bằng những điều bất hạnh nhất. Đối thủ của vận mệnh có thể bị khuất phục, nhưng nếu kiên cường đến cùng sẽ làm chủ được vận mệnh. Thực tế, điều bất hạnh đến từ người khác hoặc đơn giản là do hoàn cảnh. Seneca thường nói về cái chết (dù của chính họ hay của một người thân yêu), lưu đày, tra tấn và bệnh tật. Cuộc sống của ông phong phú vì tràn đầy những ví dụ. Ông đi xa đến mức ủng hộ nghịch cảnh như một phương tiện để tiến bộ đạo đức, nhưng ông cũng cho phép (với quan điểm về sự giàu có của bản thân) hoàn cảnh thuận lợi là một sự trợ giúp cho người đang gặp khó khăn để tiến bộ.

Để đạt tiến bộ, một người không chỉ đương đầu với hoàn cảnh bên ngoài, mà trên hết, phải nhìn vào bên trong chính mình. Lấy cảm hứng từ Plato, Seneca nói có một vị thần ở bên trong chúng ta; một linh hồn tìm cách tự giải thoát khỏi sự u mê của thể xác. Seneca đề nghị độc giả lui vào cái tôi bên trong để vừa suy ngẫm về hoàn cảnh cụ thể của mình, vừa bay bổng trong sự sâu lắng của thần linh. Việc rút lui này có thể xuất hiện trong một cuộc sống hối hả. Nhưng điều đó dễ dàng hơn khi một người không còn bị cuốn vào chính trị nữa, do đó, Seneca liên kết việc rút lui về mặt đạo đức với nỗ lực rút lui khỏi chính trị vào cuối đời. Ông khẳng định ông sẽ tiếp tục giúp đỡ người khác thông qua lời dạy triết học của mình, giống những nhà Khắc Kỷ khác.

Ngoài ra, nếu bạn muốn tìm hiểu thêm về Marcus Aurelius, cũng như Chủ nghĩa Khắc Kỷ và các phương pháp sử dụng để thực hành triết học trong cuộc sống thường ngày, bạn có thể tìm đọc cuốn sách "Suy tưởng" được dịch bởi Spiderum nhé.

sach-suy-tuong-marcus-aurelius

Sách Suy Tưởng - Marcus Aurelius

 


 

Đọc thêm:

Một dẫn nhập ngắn về Chủ nghĩa Khắc kỷ

Marcus Aurelius: Cuộc Sống và Triết Lý Đằng Sau Hoàng Đế La Mã

7 Sự Thật Thú Vị Về Cuộc Đời và Thời Kỳ Cai Trị của Marcus Aurelius

Review sách: Suy tưởng - Marcus Aurelius

← Bài trước Bài sau →

Bình luận