NGÀNH QUẢN TRỊ NHÂN SỰ: LÀ GÌ, HỌC Ở ĐÂU, LÀM CÔNG VIỆC GÌ?

NGÀNH QUẢN TRỊ NHÂN SỰ: LÀ GÌ, HỌC Ở ĐÂU, LÀM CÔNG VIỆC GÌ?

Cfs: "Em cảm thấy những thông tin về ngành nhân sự còn khá chung chung. Em muốn có hình dung cụ thể hơn về mảng hành chính- nhân sự."

Trả lời:

NGÀNH QUẢN TRỊ NHÂN SỰ: LÀ GÌ, HỌC Ở ĐÂU, LÀM CÔNG VIỆC GÌ?

Hiện nay, ngành quản trị nhân sự đã khá phổ biến tại Việt Nam. Nếu bạn có điều kiện du học, nước ngoài không thiếu những trường Đại học có chuyên ngành riêng biệt. Hoặc thậm chí, bạn muốn rẽ ngang và cần trau dồi thêm kiến thức chuyên môn, có khá nhiều khóa học hay chứng chỉ học trực tuyến. Tại Việt Nam, bạn có thể tìm hiểu thêm về SHRM – Quản trị nhân sự quốc tế tại trường PACE có cơ sở tại TP.HCM.

Quản trị nhân sự, nói chung, không phải công việc của riêng bộ phận HR, mà là kỹ năng và nhiệm vụ của bất kỳ lãnh đạo doanh nghiệp nào. Dù bạn làm việc ở đâu, việc quản lý đội nhóm, chọn người phù hợp, phát triển kỹ năng và văn hóa đều sẽ phải thuần thục.

1. THỰC CHẤT CÔNG VIỆC

- Là một HR Manager đảm nhiệm về Tìm kiếm nhân tài và Thương hiệu nhà tuyển dụng, bạn là người vô cùng quan trọng trong việc đưa nhân viên đến với công ty, góp phần vào việc phát triển nghề nghiệp của họ với một vị trí phù hợp tại một môi trường mới. Bạn cũng có thể định hướng hình ảnh công ty trong mắt ứng viên, xây dựng kế hoạch truyền thông và quảng bá thương hiệu nhà tuyển dụng, đồng thời tổ chức các sự kiện cho sinh viên hoặc ứng viên nhằm tạo điều kiện giúp họ hiểu về doanh nghiệp hơn.

- Là một HR Manager đảm nhiệm về Đào tạo và Phát triển tài năng, bạn chịu trách nhiệm xây dựng cơ cấu đào tạo, tìm kiếm những khóa học tại những trường đào tạo quốc tế, gặp gỡ nhiều chuyên gia hàng đầu trong ngành, chứng kiến và góp công vào hành trình phát triển của các đồng nghiệp tại công ty (từ những vị trí đầu tiên đến những vai trò lãnh đạo cao nhất). Nếu bạn làm việc tại các công ty đa quốc gia, bạn còn có thể có cơ hội công tác tại nhiều quốc gia khác nhau để tìm hiểu, tổ chức các khóa học. Bạn cũng có cơ hội tiếp cận nhiều kiến thức về kỹ năng lãnh đạo, hoặc những bài nghiên cứu khoa học mới nhất, danh giá nhất.

- Là một HR Manager quản lý về vấn đề Lương thưởng và Chính sách, bạn sẽ có cơ hội định hình cơ cấu lương thưởng sao cho phù hợp nhất với quy mô của công ty, gia tăng tính cạnh tranh với thị trường và trên hết, kích hoạt tối đa động lực làm việc của nhân viên. Mọi công ty đều có cơ cấu lương tương ứng với khả năng tài chính của công ty và chiến lược nhân sự của họ. Nếu công ty đang trên đà phát triển với tiềm lực mạnh, bạn sẽ có rất nhiều cơ hội vạch ra những chiến lược lương thưởng để thu hút, đãi ngộ nhân tài.

- Là một HR Business Partner Manager, bạn chịu trách nhiệm quản lý và định hướng cơ cấu nhân sự của phòng ban mà bạn là đối tác, cùng với người lãnh đạo đảm bảo nhân viên có điều kiện làm việc tốt nhất thông qua văn hóa và gắn kết phòng ban. Những nhiệm vụ chiến lược như: thay đổi lớn trong nội bộ, kế hoạch kinh doanh mới hay gia tăng hiệu suất làm việc của phòng ban chắc chắn không thể thiếu vai trò của HRBP. Bạn là người nắm rõ nhất những chiến lược của công ty, và cũng là một trong những người nắm bắt thông tin sớm nhất nhằm chuẩn bị nguồn lực nhân sự và kế hoạch quản trị thay đổi cho phòng ban. Không ít những công ty lớn, chính các lãnh đạo phòng ban phải tham vấn với HRBP trước khi quyết định một chiến lược kinh doanh nào đó, nhằm cân nhắc khả năng và ảnh hưởng tiềm tàng của các quyết định này

Và còn nhiều nhiều nữa những vai trò khác nhau mà các bạn có thể thỏa sức tìm hiểu. Hãy nhớ, nếu bạn chọn nghề nhân sự, 2 - 3 năm đầu không phải thời gian để bạn nhìn quanh ngó dọc và cảm thấy “peer-pressure”. Hãy tập trung mài dũa chuyên môn, kinh nghiệm để sớm có đủ năng lực. Chắc chắn, những năm tiếp theo, bạn sẽ gặt hái được nhiều thành quả tốt đẹp.

TIPS: Chọn gì để sớm thành công trong nghề nhân sự?

- Hãy chọn công ty lớn. Công ty càng lớn, quy mô càng hoàn chỉnh, phòng nhân sự càng chuyên nghiệp và có nhiều cơ hội để phát triển hơn. Bạn có thể nhìn vào những công ty có trong danh sách “Nơi làm việc tốt nhất tại Việt Nam” hoặc “Nơi làm việc tốt nhất Châu Á”.

- Trải nghiệm thực tập. Đây là cơ hội quý giá để bạn hiểu rõ về nghề Nhân sự cũng như văn hóa doanh nghiệp. Nếu sai, bạn có thể chọn lại. Tuy nhiên, một khi đã bắt đầu với công việc chính thức, hãy cố gắng làm việc ít nhất 3 tháng.

 

Sách Người trong muôn nghề Ngành kinh tế có gì nghề nhân sự

Tìm hiểu thêm về Tủ sách Hướng nghiệp của Spiderum

 

2. NGƯỜI LÀM NHÂN SỰ NÊN NHƯ THẾ NÀO?

Nhân sự hay được hiểu theo nghĩa của từ “nhân” - là phần con người. Tuy vậy, hiểu đúng về nghề sẽ là HR - Human Resources (Management) - là Quản trị Nhân sự. Đó là lý do tại sao HR thường nằm trong khối ngành Kinh tế, bởi tiềm lực con người, cũng như tài chính hay thương hiệu, đều cần được quản lý một cách khoa học và bài bản, nhằm mang đến những giá trị thặng dư cho doanh nghiệp. Do đó, bạn sẽ cần đầu óc nhạy bén, khả năng phân tích và hoạch định chiến lược sắc sảo, kèm với những giá trị sống nhân văn để có thể làm một nhà quản trị nhân sự thành công.

TIPS:

Chuẩn bị cho công việc HR như thế nào từ khi còn đi học?

- Rèn luyện kỹ năng lãnh đạo với các câu lạc bộ, đội nhóm khoa học tại trường. Hãy cố gắng phát triển bản thân và nắm giữ những vị trí lãnh đạo để làm quen với vai trò và thách thức của người lãnh đạo, từ đó, bạn sẽ làm HR tốt hơn rất nhiều.

- Kỹ năng giao tiếp qua lời nói, viết lách, thuyết trình chắc chắn vô cùng quan trọng. Tham gia thuyết trình nhóm càng nhiều càng tốt.

- Gây dựng sự nhạy cảm, cảm thông và niềm yêu thích trong những vấn đề liên quan đến con người. Điều này giúp bạn làm quen những công việc thường nhật tại HR.

Bài viết được trích từ cuốn sách "Người trong muôn nghề: Ngành Kinh tế có gì?"

Xuân Quỳnh


Bài viết liên quan:

CÁCH ĐỂ BẮT ĐẦU HỌC THIẾT KẾ ĐỒ HỌA
NGƯỜI ÍT NÓI: LÀM THẾ NÀO ĐỂ CẢI THIỆN KỸ NĂNG GIAO TIẾP?
TỔNG HỢP Q&A HƯỚNG NGHIỆP 2021 - PHẦN 2
NGÀNH KINH TẾ LÀM GÌ, LƯƠNG RA SAO?
LIỆU BẠN ĐÃ HIỂU HẾT VỀ NGÀNH MARKETING?
“NGƯỜI TRONG MUÔN NGHỀ: NGÀNH KINH TẾ CÓ GÌ?” - ĐỂ KHÔNG CÒN MÔNG LUNG KHI THEO ĐUỔI NGÀNH KINH TẾ
ĐỊNH HƯỚNG NGHỀ NGHIỆP: 3 BƯỚC ĐẾN NGÀNH HỌC MƠ ƯỚC

 

← Bài trước Bài sau →

Bình luận