NẾU BẠN CHƯA BIẾT BẢN THÂN MÌNH THÍCH GÌ, GIỎI GÌ?
Q: “Em năm nay 23 tuổi , đã ra trường đượC gần một năm rồi...Với độ tuổi này các bạn của em đứa thì học lên cao, đứa thì đã ổn định gia đình đứa thì đã xác định gắn bó với một công việc ổn định mà bản thân em lại không biết bản thân mình thực sự muốn điều gì.”
Trả lời:
NẾU BẠN CHƯA BIẾT BẢN THÂN MÌNH THÍCH GÌ, GIỎI GÌ?
1. Hỏi mình
Trên trang hỏi đáp Quora có một câu rằng “If no one taught you what to do next, what would you do? - nếu chẳng ai dạy bạn nên làm gì tiếp, bạn sẽ làm gì?”.
Mình mới dành thời gian tự hỏi những câu:
- Hồi nhỏ mình từng thích gì? Giờ có thay đổi không? Vì sao vậy nhỉ?
- Lúc rảnh thì hay làm gì?
- Khi mình mệt mỏi, mình muốn làm gì?
- Điều gì khiến mình tò mò? Mình thấy vui hay thích thú khi làm gì chứ?
- Mình từng làm gì quên cả thời gian?
2️. Hỏi người
Bước tiếp theo là mình gửi email tới những người đã có đủ khoảng thời gian cùng chơi/ cùng học/ cùng làm, đủ tin tưởng và họ biết về mình khá rõ. Đó là những người thân thiết, những người từng chung dự án, hay đồng nghiệp từng làm việc cùng. Mình nhận được gần 30 hồi đáp. Điều đó, thực tình đáng quý. Họ cho mình thấy khá nhiều điều mới, những lời nhận xét, và lời khuyên hữu ích. Mình phân tích, tự đánh giá và xâu chuỗi từ việc chiêm nghiệm của bản thân. Sau đó kết luận xem điều gì phù hợp và không (Đây là form mình đã gửi đi: https://nguyen5.typeform.com/to/Gbzouk, nếu thấy cần, bạn có thể tham khảo).
3️. Hỏi internet
Một là, mình làm các bài test về tính cách và đặc điểm nghề như Holland, MBTI, Big Five và Enneagram để có những góc nhìn (lý thuyết/ dữ liệu) về bản thân.
Tùy cách bạn làm bài test (trong tâm trạng ổn, đủ thời gian, có sự chú tâm, hiểu đúng, hay thành thật với chính mình đến mức nào...) sẽ tác động đến kết quả. Các bài test này chỉ phản ánh một phần nào đó con người bạn trong thời điểm đó. Sau quá trình trải nghiệm điều này có thể thay đổi.
Hai là, đọc và cập nhật thông tin trên các trang về hướng nghiệp.
4️. Hỏi sách
Trong thời gian này mình tìm đọc nhiều đầu sách về hướng nghiệp, vài cuốn tham khảo sau:
- What color is your parachute – Richard N.Bolles (bản dịch tiếng Việt: Dù của bạn màu gì)
- Ikigai – Ken Mogi (bản dịch tiếng Việt: Ikigai – bí mật sống hạnh phúc và trường thọ của người Nhật)
- The one week job project – Sean Aiken (Bản dịch tiếng Việt: Thử thách 52 nghề)
- The Element – Ken Robinson & Lou Aronica (Bản dịch tiếng Việt: Môi trường lý tưởng - Bí quyết khơi dậy đam mê làm thay đổi cuộc sống)
- Cứ đi để lối thành đường – Phoenix Ho
- Chuyện của nghề - Nhóm chuyện của nghề
- Sách hướng nghiệp của VVOB, danh sách nghề của ILO
Lưu ý: các gợi ý về bài trắc nghiệm, sách, trang thông tin bên trên đều mang tính kinh nghiệm cá nhân, tùy vào gu đọc/ tìm hiểu/ mối quan tâm, bạn nên cân nhắc và kiểm tra tính uy tín, chất lượng, phù hợp trước nhé.
5️. Hỏi đời
Và đến lúc mình lăn xả thực tế. Bằng cách lao vào làm một thời gian, mình hiểu được khoảng cách giữa việc ‘mình NGHĨ là mình thích’ và mình “THỰC SỰ thích” xa nhau cỡ nào. Khi làm đủ lâu, mới biết mình có chấp nhận được ‘phần chìm của tảng băng nổi’ hay không?
Ví dụ, muốn biết mình có thích hướng nghiệp hay không?
- Mình tham gia hội nghị hướng nghiệp, sự kiện hướng nghiệp
- Mình đi học lớp chuyên viên tư vấn hướng nghiệp
- Mình hỏi chuyện những người trong ngành để biết được hành trình và thăng trầm trong nghề của họ
- Mình thực hành tư vấn cá nhân, tham gia dự án, giảng dạy, gặp gỡ và lắng nghe từ các tiền bối, tự học để trau dồi kiến thức và nghiệp vụ...
Đến nay, gần chín tháng thực-sự-nhúng-mình. Mọi thứ mới rõ ràng hơn. Mình cũng tự hỏi rằng, liệu mình có muốn làm công việc này trong vòng 3 – 5 năm tới không?
* Nếu CÓ, đi tiếp thôi, ngại ngần chi nữa
* Nếu CHƯA chắc chắn, cho mình một mốc thời gian, thêm 3 tháng – hoặc 6 tháng trải nghiệm
* Nếu KHÔNG, hãy bắt đầu cuộc hành trình mới, hoặc quay lại guồng cũ (và biết cách hài lòng với những điều đang có).
Với mỗi quyết định lớn, hãy dám chấp nhận: mình cần trách nhiệm gì? mình cần khả năng gì? mình cần bền bỉ cỡ nào? và có biết cách tận hưởng con đường mình chọn không?
Phía trên là những chia sẻ của tác giả Hoa Cúc Mi trên Spiderum https://b.link/Neu-chua-biet-thich-gi
Đối với các bạn cấp 3 chưa có nhiều trải nghiệm và mong muốn hiểu rõ sự phù hợp của bản thân với ngành nghề, các bạn có thể tham khảo thêm các bài viết về hướng nghiệp trên page theo hashtag cũng như bộ sách hướng nghiệp của Spiderum.
2. KINH TẾ LÀ HỌC GÌ? RA TRƯỜNG LÀM GÌ?
Q: "Em thích học kinh tế nhưng lại không biết nên theo khối ngành cụ thể nào ạ"
Trả lời:
KINH TẾ LÀ HỌC GÌ? RA TRƯỜNG LÀM GÌ?
Trong đào tạo, khái niệm “kinh tế” bao trùm tất cả các ngành liên quan tới khía cạnh quản lý, tổ chức hoạt động kinh tế ở phạm vi vĩ mô toàn bộ nền kinh tế và ở phạm vi vi mô của từng tổ chức, doanh nghiệp, hộ sản xuất kinh doanh. Học Kinh tế, về bản chất là học các mối quan hệ trong quá trình triển khai hoạt động kinh tế của con người: mối quan hệ giữa các tổ chức với nhau; mối quan hệ giữa những cá nhân, các bộ phận trong một tổ chức; mối quan hệ giữa tổ chức với khách hàng, cộng đồng,…
Do quan hệ giữa các thành phần này đa chiều, phức tạp, nên việc đào tạo ngành Kinh tế rất quan trọng, bao gồm phổ kiến thức sâu rộng thuộc nhiều ngành đào tạo, có thể chia thành 3 nhóm ngành đào tạo chính:
(i) NHÓM NGÀNH KINH TẾ
Nhóm ngành Kinh tế học sâu kiến thức về cơ chế vận động trên phương diện tổng thể của toàn bộ nền kinh tế. Một nền kinh tế phát triển lành mạnh sẽ tạo ra những hệ thống quản lý thông qua các công cụ điều tiết về chính sách, luật lệ, đảm bảo các tổ chức kinh doanh được hoạt động trong môi trường lành mạnh, phát huy nguồn lực hiệu quả, tạo ra những giá trị tốt đáp ứng nhu cầu xã hội một cách hài hòa cân đối.
Người học Kinh tế sẽ được trang bị kiến thức để có cái nhìn về toàn bộ hoặc từng mảng hoạt động, từ đó có khả năng phân tích chính sách hay các công cụ tác động tới sự phát triển của nền kinh tế. Các bạn học ngành này sẽ phù hợp với công việc trong cơ quan quản lý Nhà nước về kinh tế, như các Bộ, ban, ngành, các cơ quan nghiên cứu, hoặc các công ty, tập đoàn lớn cần chuyên gia phân tích kinh tế vĩ mô để hoạch định chiến lược, chính sách phát triển. Ngành này cần người học có năng lực mạnh về tính toán cũng như khả năng phân tích tổng hợp tốt, tính chất công việc mang tính chuyên môn cao. Một số ngành cụ thể trong nhóm này như: Kinh tế học, Kinh tế phát triển, Kinh tế quốc tế, Kinh tế đối ngoại,...
(ii) NHÓM NGÀNH QUẢN TRỊ
Đây là nhóm ngành khá phổ biến và “hot” vì đào tạo ra người quản lý trong các tổ chức. Cơ hội việc làm thường rất lớn do tất cả các đơn vị kinh doanh đều có nhiều vị trí cho những người học ngành này. Các ngành cụ thể trong nhóm này bao gồm: Quản trị kinh doanh, Marketing, Kế toán, Nhân sự, Tài chính,… tức là các khía cạnh quản trị cho hoạt động của một tổ chức, nhằm đảm bảo việc sử dụng nguồn lực hạn hẹp có hiệu quả, tạo ra giá trị gia tăng lớn (đồng nghĩa với lợi nhuận lớn), đồng thời giúp tốc độ tăng trưởng và sự phát triển bền vững đi theo hoạch định chiến lược của tổ chức.
Ngành học cũng rất đa dạng, có thể “dung nạp” người học với đa dạng thiên hướng, từ người thích sáng tạo (ngành Truyền thông, Marketing), cho đến người ham mê làm việc với các con số, công cụ phân tích (Kế toán, Tài chính, Kiểm toán,…), và cả những người có thiên hướng lãnh đạo, có cái nhìn tổng thể (Quản trị Kinh doanh) hay quan tâm sâu sắc tới con người (Quản trị Nhân sự),…
(iii) NHÓM NGÀNH CÔNG CỤ
Nhóm ngành công cụ có thể kể tới Thống kê, Toán kinh tế, Xử lý thông tin hoặc Tin học kinh tế,… đào tạo ra cán bộ chuyên môn, cung cấp các công cụ hỗ trợ cho công tác quản lý. Thông thường, các ngành đào tạo này không được coi là những ngành “hot”. Tuy nhiên, thực tế đây là các ngành học mang tính “chuyên môn” cao, nếu được đào tạo bài bản và học tốt, bạn sẽ có lợi thế lớn vì ít nơi đào tạo được. Nó mang tính chuyên môn sâu, không dễ dàng tự học như một số ngành về quản trị, hay dễ dàng tìm kiếm nơi để học thêm ở các khóa học trong hoặc ngoài nhà trường như Kế toán, Tài chính, tiếng Anh,…
Bài viết được trích từ cuốn sách "Người trong muôn nghề: Ngành Kinh tế có gì?"
Xuân Quỳnh
Đọc thêm
CÁCH ĐỂ BẮT ĐẦU HỌC THIẾT KẾ ĐỒ HỌA
NGƯỜI ÍT NÓI: LÀM THẾ NÀO ĐỂ CẢI THIỆN KỸ NĂNG GIAO TIẾP?
TỔNG HỢP Q&A HƯỚNG NGHIỆP 2021 - PHẦN 2
NGÀNH KINH TẾ LÀM GÌ, LƯƠNG RA SAO?
LIỆU BẠN ĐÃ HIỂU HẾT VỀ NGÀNH MARKETING?
Viết bình luận
Bình luận